Bureau Veritas hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp Việt Nam?Thứ ba, 13/03/2018, 08:39 GMT+7 Cuối tháng 11.2017, Bureau Veritas Việt Nam khai trương phòng Kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ trong lĩnh vực nông ngư nghiệp và thực phẩm. Trước nhu cầu tìm hiểu của các doanh nghiệp, KH&PT có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Huy, giám đốc bộ phận thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, xoay quanh câu hỏi “Bureau Veritas hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp Việt Nam?”.
Ông Nguyễn Huy, giám đốc bộ phận Thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam.
Xin ông cho biết, trong phòng kiểm nghiệm này có những máy móc thiết bị gì?
Ngày 23.11.2017, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Bureau Veritas thành lập và hoạt động tại Việt Nam (1998 – 2018), Bureau Veritas đã khai trương chi nhánh văn phòng, phòng kiểm nghiệm thực phẩm tại TP Cần Thơ, với sự đầu tư ban đầu 2 triệu euro, được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại như UPLC/MSMS, GC/MSMS, ICPMS/MS…
Các máy này với độ chính xác cao, có khả năng phục vụ và đáp ứng các yêu cầu từ nhiều thị trường trong nước, cũng như quốc tế, trong toàn chuỗi cung ứng từ nông trại cho đến bàn ăn.
Sự đầu tư này có đáp ứng hết những gì doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần? Về nông nghiệp và thực phẩm, phòng thí nghiệm này giải quyết được những nhiệm vụ nào?
Với những trang thiết bị hiện đại chuẩn mực quốc tế, chúng tôi chắc chắn sẽ mang đến những kết quả kiểm nghiệm tin cậy nhất cho các mẫu phẩm, nhằm gia tăng niềm tin trong sản xuất nông ngư nghiệp, cũng như an toàn thực phẩm. Đây là minh chứng cho sự cam kết phát triển lâu dài và bền vững của tập đoàn Bureau Veritas, thông qua các mảng hoạt động chủ chốt: chất lượng, an toàn, môi trường, trách nhiệm xã hội và đặc biệt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các thiết bị hiện đại này được sử dụng để phân tích dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, vitamin, chất gây dị ứng, GMO, DNA, trong thực phẩm, các bệnh trên một số động vật… nhằm góp phần giải quyết những vấn đề nóng của ngành xuất khẩu nông sản và thực phẩm, cũng như của xã hội về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Ngoài ra, các kiểm nghiệm về dị ứng (Allergic test) cũng được xem xét và phát triển tại đây.
Đến thời điểm này, có gần 200 DN VN đã tham quan trực tiếp và sử dụng dịch vụ kiểm nghiệm của Bureau Veritas.
Đến thời điểm này, có gần 200 DN Việt Nam đã tham quan trực tiếp và sử dụng dịch vụ kiểm nghiệm của Bureau Veritas. Đặc biệt, phòng kiểm nghiệm Bureau Veritas Việt Nam, có thể thực hiện được một số chỉ tiêu kiểm nghiệm về: bệnh trên động vật, như kiểm tra bệnh do vi rút trên tôm giống… có thể phục vụ cho doanh nghiệp kiểm soát các sản phẩm của mình, đáp ứng theo các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế nói chung, và quy định của luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm (ATTP) – FSMA nói riêng.
Vừa qua nhiều sản phẩm Việt Nam xuất đi Mỹ “dính” chất gây dị ứng, nếu qua phòng thí nghiệm, Bureau Veritas có thể nói gì về việc này?
Thời gian qua, nhiều DN Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chưa quan tâm nhiều đến các thành phần gây dị ứng trong sản phẩm thực phẩm. Do vậy, doanh nghiệp phải xử lý nhiều hậu quả và thiệt hại về kinh tế xảy ra từ nguyên nhân này. Trong luật FSMA áp dụng từ tháng 9.2016, nêu rõ và đưa vào quy định cụ thể các chất gây dị ứng trong các sản phẩm thực phẩm. Theo luật này thì 90% phản ứng dị ứng thực phẩm được gây ra bởi tám chất chính gây dị ứng thực phẩm như: sữa, trứng, đậu phộng, cá, động vật giáp xác, bột mì, đậu nành.
Bureau Veritas Việt Nam thường tổ chức những khoá học nhằm giúp DN hiểu về luật ATTP, như vừa qua là khoá học về FSMA cho các DN trong Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập? Ông đánh giá như thế nào về những khoá học này?
Trong năm 2017, hơn 1.000 DN Việt Nam rớt khỏi danh sách và không thể xuất khẩu sang Mỹ, do chưa nắm bắt và thích ứng với quy định mới của Mỹ, điển hình là luật FSMA.
Cho đến thời điểm hiện nay, Bureau Veritas đã và đang thực hiện khoảng 20 khoá học về FSMA cho hơn 300 DN, hoặc đồng tổ chức cho các DN đạt chứng nhận về Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập nói riêng, và DN ngành thực phẩm nói chung.
Các khoá học này góp phần giúp DN hiểu và cập nhật được những quy định và chính sách mới của Mỹ, nhất là đối với các hàng thực phẩm nhập khẩu.
Các biện pháp phi thuế quan, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, việc truy xuất chất lượng đến tận nguồn và các biện pháp vệ sinh – kiểm dịch động thực vật được Mỹ, cũng như các thị trường quốc tế khác quan tâm nhiều. Việc nâng cao hiểu biết và năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ các quy định mới của FDA, là vấn đề quan trọng và cần được quan tâm và cải tiến liên tục hiện nay.
Theo ông, tham dự khoá học, cơ hội cho DN HVNCLC – Chuẩn hội nhập vào các thị trường này như thế nào?
Khác với các tiêu chuẩn tự nguyện khác, luật FSMA là bộ luật mới của Chính phủ Mỹ. Do vậy, các DN muốn xuất khẩu sang Mỹ thì cần phải học, cập nhật và áp dụng quy định này.
Các khoá học dành cho DN đồng tổ chức bởi hội DN.HVNCLC và các giảng viên từ Bureau Veritas Việt Nam, được FDA tập huấn và được cấp chứng chỉ. Bởi FDA là điều kiện tiên quyết đầu tiên giúp DN đáp ứng được quy định mới của luật FSMA.
Cám ơn ông!
(Nguồn:khoahocphattrien) Người viết : thninh
Các tin khác :
|