Chống hàng giả: Nhiều doanh nghiệp còn tâm lý ‘đánh chuột sợ vỡ bình’Thứ hai, 27/11/2017, 09:23 GMT+7 Đó là chia sẻ của ông Trương Văn Ba – Phó Văn phòng BCĐ 389 quốc gia tại hội thảo “Các giải pháp phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” vừa được tổ chức sáng nay 23/11 tại Hà Nội. Theo đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71%) so với cùng kỳ, thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.949 tỷ đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng. Ông Trương Văn Ba – Phó Văn phòng BCĐ 389 quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Uyên Chi
Mặc dù, công tác chống buôn lậu đạt được kết quả tích cực nêu trên song ông Trương Văn Ba cũng thẳng thắn đánh giá, kết quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội... “Hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi, có giá trị lớn hơn, có yếu tố xuyên quốc gia và xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, thiết bị… từ các thương hiệu lớn đến hàng sản xuất trong nước đều bị làm giả một cách trắng trợn, công khai”, ông Ba cho biết. Tuy nhiên, vị đại diện BCĐ 389 cũng bày tỏ sự băn khoăn về con số thống kê những vụ việc hàng giả, hàng nhái được phát hiện sau mỗi năm đều giảm, trong khi đó theo thông tin từ doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng thì thì hàng hóa bị làm giả, làm nhái trên thị trường vẫn chưa chịu “hạ nhiệt”. “Các con số cho thấy các vụ việc giảm là do cơ quan chức năng tích cực đấu tranh hay do trình độ làm giả ngày càng tinh vi hơn, khiến cho chúng ta không phát hiện được?”, ông Ba đặt dấu hỏi. Phó Văn phòng BCĐ 389 cũng chỉ ra những bất cập trong công tác chống hàng giả, hàng nhái trong thời gian vừa qua. Theo đó, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái phát triển ngày càng mạnh là do lợi nhuận từ hoạt động này quá lớn, bên cạnh đó, còn nhiều DN có sản phẩm bị làm giả nhưng lại chưa tích cực đấu tranh. “Nhiều DN vì lợi trước mắt mà ngại phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn hàng giả. Ví dụ như Công ty May 10, phát hiện có hàng nhái, hàng giả nhưng không hợp tác để ngăn chặn vì lo sợ nếu bung ra người tiêu dùng sẽ e ngại hàng giả mà quay lưng với sản phẩm chính hãng. Tâm lý “đánh chuột sợ vỡ bình” chính là nguyên nhân để hàng giả vẫn còn đất sống”, ông Ba nói. Quang cảnh hội thảo: “Các giải pháp phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” vừa được tổ chức sáng nay 23/11 tại Hà Nội.Một lý do mà ông Ba cho rằng gây khó khăn cho công tác thực thi của cơ quan chức năng đó chính là chế tài xử lý hàng giả còn thấp. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo nên việc xử lý còn khó khăn. “Tôi ví dụ các vụ việc đình đám như Thuận Phong, VN Phamar… thì xử lý là hàng giả hay hàng kém chất lượng thì cho đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ”, ông Ba nói. Vị đại diện BCĐ 389 cũng cho rằng vai trò của các cấp lãnh đạo ở địa phương trong việc phối hợp với các bên liên quan trong việc chống hàng giả rất quan trọng, nếu địa phương nào được quan tâm thì công tác này rất hiệu quả. Về vấn đề này ông đề cập đến vụ Khaisil và cho rằng, nếu như DN có đặc tính DN, cơ quan chức năng sát sao thì sẽ không có chuyện xảy ra như vậy. “Nếu như trước đây nói đến lụa Việt Nam là người ta nhắc đến Khaisil. Đằng sau Khaisil là cả một hệ thống làng nghề. Qua vụ việc giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Khaisil, lụa Việt Nam đã mất uy tín, đây là một việc rất đau xót và trách nhiệm không chỉ thuộc về Khaisil ”, ông Ba bày tỏ. (Nguồn:vietq.vn)
Người viết : thninh
Các tin khác :
|