Công nghệ sinh học - chìa khóa cho an ninh lương thực

Thứ tư, 16/08/2017, 08:54 GMT+7

 

Công nghệ sinh học có thể là chìa khóa cho các vấn đề phát triển và an ninh lương thực quốc gia.

Ông Gil Saguiguit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cao học và Nghiên cứu về Nông nghiệp Khu vực Đông Nam Á (SEARCA) nói rằng công nghệ khoa học cung cấp cho những người nông dân cơ hội đối đầu và vượt qua những thách thức và khó khăn họ gặp phải trong nông nghiệp.

Ông nhắc lại tầm quan trọng ngày càng tăng của các công nghệ nông nghiệp an toàn dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng trong việc thúc đẩy năng suất nông nghiệp và củng cố an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và giảm nguồn lực sản xuất.

 

Trong số các công nghệ này có công nghệ sinh học, bao gồm cả kỹ thuật truyền thống (như kỹ thuật chọn giống và lên men) và các kỹ thuật hiện đại (công nghệ gen), được Searca đánh giá là một công cụ quan trọng trong việc giải quyết hầu hết các thách thức trong nông nghiệp.

Những tuyên bố này được ông Gil Saguiguit đưa ra sau khi Philippine đưa ra báo cáo hàng năm của Dịch vụ Thu thập Ứng dụng CNSH nông nghiệp (ISAAA) về tình trạng cây trồng công nghệ sinh học được thương mại hoá vào tháng 5 năm ngoái.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng công nghệ sinh học không phải là giải pháp duy nhất cho những vấn đề này mà là một công cụ thiết yếu để bổ sung cho các giải pháp hiện có. Do đó, Searca thúc đẩy mục tiêu “cùng tồn tại”.

Theo một báo cáo của Ban Cố vấn về Công nghệ sinh học và Nông nghiệp thế kỷ 21 thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cùng tồn tại là “đồng canh tác các loại cây trồng thông thường, hữu cơ, bảo tồn đặc trưng và cây trồng biến đổi gen phù hợp với sự lựa chọn của người tiêu dùng và sự lựa chọn của nông dân”.

Theo báo cáo của ISAAA, diện tích cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu đã tăng từ 179,7 triệu ha trong năm 2015 lên đạt 185,1 triệu ha vào năm 2016.

Tổng cộng 26 quốc gia đã trồng các cây công nghệ sinh học, trong đó có Philippines - quốc gia đã trồng gần 812000 ha ngô vàng công nghệ sinh học vào năm ngoái. Được trồng ở nước này từ năm 2003, các giống ngô công nghệ sinh học có khả năng kháng sâu bệnh và chịu được thuốc diệt cỏ, do đó mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Philippin, bao gồm cả việc tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất.

Ông Saguiguit cho biết, thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 10 của Searca tập trung vào phát triển nông nghiệp và nông thôn toàn diện và bền vững, trung tâm tin rằng cần chú ý đến các nông dân nghèo tài nguyên bằng cách cung cấp cho họ thông tin, thực tiễn tốt nhất và công nghệ mới. Điều này sẽ giúp họ tăng năng suất nông nghiệp.

Trong một thông cáo báo chí, Searca khẳng định rằng họ chỉ quảng bá các công nghệ và thực tiễn nông nghiệp an toàn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cũng như môi trường.

Mặt khác, bà Chinkee Golle - Giám đốc điều hành của Interface Development Interventions (Idis), cho biết công bố gần đây của ISAAA về việc Philippines đứng đầu ở Đông Nam Á và thứ 12 trên toàn cầu về trồng cây công nghệ sinh học hay cây biến đổi gien là một mối đe dọa đối với lời kêu gọi cấm trồng cây biến đổi gen của các nhà môi trường.

"Điều này thực sự đáng báo động và thực sự là một mối đe dọa đối với lời kêu gọi ban hành lệnh cấm cây trồng biến đổi gen của chúng tôi. Trong lúc này, tại đây - Davao, khi mà chúng tôi đang không ngừng thúc đẩy triển khai nông nghiệp hữu cơ, việc tiếp tục sản xuất ngô công nghệ sinh học không phải là vì lợi ích của nông dân mà đúng hơn đó là vì lợi ích của bản thân các ông lớn, các nhà sản xuất cây trồng biến đổi gen”, bà nói.

Trong điều kiện công nghệ sinh học vẫn đang vấp phải làn sóng phản đối như hiện tại, điều quan trọng là công chúng, và đặc biệt là những nhà hoạch định chính sách, những người đưa ra quyết định có thể hiểu được công nghệ nói trên trên cơ sở các bằng chứng khoa học và thực nghiệm, ông Saguiguit nói.

(Theo: Sunstar Publishing, Inc.)


Người viết : thninh

Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến