Công nghệ sinh học- Cứu cánh cho nông nghiệp

Thứ tư, 16/08/2017, 08:54 GMT+7

 

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai (ảnh: Báo Công Thương)

 

Nông nghiệp sinh học hay nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp dựa trên việc sử dụng các mối quan hệ tương tác giữa các cơ thể sống và môi trường xung quanh trong một hệ thống nông nghiệp. Tức là mối quan hệ giữa cây trồng, vật nuôi, môi trường đất, vi sinh vật trong đất và môi trường khí hậu.

Hiện nay, có 6 phương thức nông nghiệp sinh học ở Việt nam gồm: Hữu cơ; thâm canh lúa cải tiến; quản lý sâu bệnh; nông lâm kết hợp; nông nghiệp bảo tồn và vườn-ao-chuồng kết hợp bioga.

Phương thức hữu cơ là phương thức sản xuất hoàn toàn sạch vì không sử dụng hóa chất. Thâm canh lúa cải tiến là phương thức sử dụng hóa chất một cách hợp lý. Quản lý sâu bênh là sử dụng tối thiểu thuốc bảo vệ thực vật đồng thời kết hợp sử dụng nhiều vi sinh vật trong sản xuất. Phương pháp nông lâm kết hợp và nông nghiệp bảo tồn được sử dụng ở miền núi, đồi dốc xói mòn. Mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp bioga là hình thức kết hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và tạo ra khí đốt phổ biến vào những năm 60-70 của thế kỉ 20 nhưng hiện nay đã có sự suy giảm về số lượng.

Với thực trạng và điều kiện của Việt Nam hiện nay, nông nghiệp sinh học chính là xu hướng tối ưu cho nền nông nghiệp nước ta.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được nông nghiệp sinh học ở nước ta, cần có sự mạnh dạn của những người nông dân, sự tham gia của thế hệ trẻ và nhất là những chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Để đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Vì hình thức tổ chức, kinh tế hộ nhỏ, sản xuất manh mún như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Các chuyên gia tính toán, đến năm 2050, nông nghiệp hữu cơ có thể nuôi sống hơn 9 tỷ người trên thế giới. Vấn đề đặt ra là phải có đầu tư cho khoa học công nghệ, đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, phát triển được chuỗi nông sản có chứng nhận, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý rõ ràng, minh bạch.

Để phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, cần tăng cường ứng dụng một số thành tựu về công nghệ hiện đại, ưu tiên CNSH phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về áp dụng thành tựu của CNSH cho bà con nông dân.

Chú trọng bảo tồn nguồn gen tự nhiên quý giá. Đây là nguyên liệu di truyền góp phần cải tạo các giống vật nuôi, cây trồng truyền thống, đồng thời là nền tảng cho việc áp dụng CNSH nhằm tạo ra nhiều cây, con giống năng suất cao, sản phẩm sạch, thích hợp với thiên nhiên, môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào và an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổ chức Nông nghiệp Thế giới FAO, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, có tới 50% số thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc có xuất xứ không rõ ràng.

Chỉ trong 30 năm, từ năm 1985 đến nay, số lượng hóa chất nông nghiệp sử dụng của nước ta đã tăng 10 lần. 80% số trường hợp sử dụng chất bảo vệ thực vật sai cách, không có hiệu quả.

(Theo: Tiếng nói nhà nông)


Người viết : thninh

Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến