Hội KTS VN góp ý đánh giá thực trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng

Thứ tư, 16/08/2017, 08:53 GMT+7

 

Mới đây, Hội KTS VN đã gửi công văn đến Bộ Xây dựng theo đề nghị đánh giá thực trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng – văn bản số 1188/BXD-KHCN do Bộ trưởng Phạm Hồng Hà ký ngày 26/05/2017.

Trong công văn trao đổi với Bộ Xây dựng, Hội KTS VN đã tổng hợp ý kiến và đề cập đến một số nội dung chính như sau:

 

1. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng

Đây là chuẩn mực để các nhà chuyên môn và quản lý đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Do đó, cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có chất lượng, đầy đủ và chính xác.

2. Về mô hình tổ chức quản lý và phương pháp biên soạn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

  • Có sự chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các Bộ trong thẩm quyền xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
  • Cần làm rõ văn bản chính thức về các khái niệm quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định áp dụng.
  • Chưa khai thác công nghệ thông tin để phổ biến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giúp cho việc áp dụng thuận tiện và hiệu quả.

3. Về chất lượng nội dung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng:

  • Trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng đã ban hành có nhiều nội dung chưa chuẩn, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với nhau, khó vận dụng. Đồng thời, có nhiều thể loại công trình hiện tại chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xanh, công trình ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu,… Do đó, cần cập nhật và ban hành theo định kỳ (5 năm) bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn.
  • Mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Điều này hạn chế khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường cũng như tiếp cận với các dự án đầu tư của nước ngoài.
  • Nội dung của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được biên soạn ngắn gọn, chuẩn xác, dễ áp dụng, đồng thời khuyến khích sáng tạo.

4. Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN, tiêu chuẩn cơ sở TCCS, tiêu chuẩn nước ngoài:

  • Sự không đồng bộ và thống nhất khi áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.
  • Về nội dung, có sự mâu thuẫn giữa các tiêu chuẩn với các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn trong việc áp dụng và quản lý.

5. Thiếu biện pháp chế tài trong công tác thanh tra kiểm tra sự tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các hoạt động xây dựng

6. Quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực xây dựng:

–  Xác định rõ các nội dung được điều tiết trong tiêu chuẩn và quy chuẩn:

  • Nội dung quy chuẩn chỉ đề ra các yêu cầu kỹ thuật buộc phải tuân thủ trong các hoạt động xây dựng về những vấn đề liên quan đến an toàn, bền vững, môi trường, sức khỏa. Quy chuẩn không giới hạn phương pháp để đạt được kết quả.
  • Những vấn đề còn lại được quy định trong tiêu chuẩn, tránh những rào cản kỹ thuật không cần thiết, đồng thời tạo cho tiêu chuẩn có tính linh hoạt và thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới.

–  Nâng dần mức độ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế

–  Dành ưu tiên và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; công trình xanh; tòa nhà thông minh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường,…

7. Nguồn nhân lực trong công tác quản lý và biên soạn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

  • Nhà nước cần ưu tiên đầu tư trí tuệ và tài chính cho việc biên soạn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
  • Tham gia biên soạn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là các chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm trong các lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý và đầu tư. Có thể xã hội hóa hoạt động xây dựng tiêu chuẩn.
  • Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được phản biện kỹ càng trước khi ban hành.

(Theo: Tạp chí Kiến trúc)


Người viết : thninh

Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến