Xăng E5Thứ tư, 13/12/2017, 09:48 GMT+7 Từ ngày 01/01/2018, xăng E5 sẽ được bán đại trà trên cả nước, thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92. Tuy nhiên, đến nay lượng xăng E5 bán ra trên cả nước mới chỉ chiếm 9,21% so với tổng lượng xăng khoáng bán ra. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa mặn mà, vẫn còn nghi ngại sử dụng xăng sinh học sẽ ảnh hưởng đến động cơ, máy móc. Hơn nữa, chênh lệch giá bán lẻ xăng E5 và xăng khoáng RON 92 chưa đủ sức hút với người tiêu dùng. Tại Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10/2017, PGS.TS Phạm Hữu Tuyến - Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhiên liệu sinh học là một dạng năng lượng mới góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, sử dụng E5 cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO. Cụ thể, so với xăng RON 92 thông thường, khi sử dụng E5 công suất trung bình của ô tô tăng khoảng 3,31%, suất tiêu hao nhiên liệu giảm 5,18%. Lượng phát thải CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23% so với xăng RON 92. Do quá trình chất E5 được cải thiện nên hàm lượng Nox và CO2 có tăng tuy nhiên lượng CO2 tính theo chu trình khép kín sẽ giảm do nguyên liệu sử dụng để chế tạo ethanol sẽ hấp thụ một phần. “Nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết”, PGS.TS Phạm Hữu Tuyến nhấn mạnh. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng khẳng định, thời gian qua chưa có bất kỳ khiếu hại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5. Thực hiện thanh tra chuyên ngành về chất lượng xăng E5 lưu thông trên thị trường đều đảm bảo quy định. “Xăng E5 vừa bảo vệ môi trường vừa cải thiện tính năng động cơ do ethanol có trị số Octan cao (109) nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số Octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng, giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra hoàn toàn hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu.Việt Nam hoàn toàn yên tâm về chất lượng khi xăng E5 đưa ra ngoài thị trường”, ông Hải cho hay. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết, trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng rộng rãi xăng sinh học như: Châu Âu đã quy định bắt buộc áp dụng E5, dự kiến đến năm 2020 áp dụng E10. Mỹ đang sử dụng xăng sinh học E10. Cuối năm 2010, hơn 90% tổng lượng xăng bán ra ở Mỹ được pha trộn với ethanol, ngoài ra nhiều xe ô tô đang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học E100. Còn Brazil, đã sử dụng xăng sinh học từ năm 1976, đến năm 2007 đã sử dụng lên đến xăng E25. Ấn Độ bắt buộc sử dụng xăng E5 từ năm 2008; từ tháng 10/2015 bắt buộc sử dụng xăng E10. Thái Lan cũng sử dụng xăng E5 từ năm 2005, từ năm 2008 đã bắt đầu bán xăng E20 và E85, đến nay chủ yếu tiêu thụ xăng E10. Theo tính toán của Bộ Công Thương, sang năm 2018, khi loại bỏ xăng RON 92 thay thế bằng E5, cả nước cần có 5,4 triệu m3 xăng E5 và nguồn cung để nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250.000 - 270.000 tấn/năm. Hiện có 4 nhà máy sản xuất là nhà máy cồn ở Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất, Bình Phước với tổng công suất gần 400.000 m3/năm. Về nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất E100, ông Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NN và PTNT) cho biết, thời gian tới, sắn, mía và Jatropha sẽ là 3 cây trồng chủ lực cần được nghiên cứu nghiêm túc với các giải pháp phù hợp mới có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học. Theo ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, tất cả các nhà máy sản xuất E100 đều lấy sắn là nguyên liệu chính, do vậy cần ổn định nguồn cung và giá mua hợp lý để cạnh tranh với giá E100 nhập khẩu. Đồng thời ông kiến nghị, giữ mức thuế nhập khẩu E100 ở mức 20% như hiện hành. Bởi nếu hạ xuống 10 hoặc 15% thì khả năng cạnh tranh của cồn Việt Nam là rất thấp, nguyên nhân chính là giá nguyên liệu của Việt Nam cao, năng suất cây trồng thấp, nhu cầu chủ yếu lại để xuất khẩu. Đại diện Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, Chính phủ, bộ ngành cần có kế hoạch đảm bảo nguồn cung ethanol phục vụ sản xuất, phối trộn xăng E5; tuyên truyền, phổ biến về lợi ích, hiệu quả của xăng E5 để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5. Nguồn: www.infonet.vn Người viết : TBT-HCM
Các tin khác :
|