Tiêu chuẩn áp dụng cho Y học cổ truyềnThứ hai, 21/03/2016, 14:45 GMT+7 Mặc dù đã có lịch sử tồn tại khá lâu đời, Y học cổ truyền (YHCT) Trung Hoa vẫn được bao phủ trong một màn sương bí ẩn. Giải Nobel về Y học năm 2015 được trao cho một chuyên gia Y học cổ truyền Trung Hoa - người phát minh ra Artemisinin chống sốt rét đã làm đấy lên những hi vọng về tương lai và các tiêu chuẩn cho lĩnh vực này.Dựa trên những tính năng chữa bệnh của các loại thảo mộc và khả năng giúp giảm đau của phương pháp châm cứu, Y học cổ truyền Trung Hoa có một cách tiếp cận toàn diện với vấn đề sức khỏe, tập trung vào cả việc phòng bệnh cũng như chữa bệnh.Có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại, hệ thống y học này được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết, công nghệ và kinh nghiệm của cả hàng ngàn năm gộp lại và được lưu lại bằng một hệ thống văn bản hết sức phong phú. Ngày nay, rất nhiều các doanh nghiệp nhận thấy rằng Y học cổ truyền Trung Hoa là một lĩnh vực kinh doanh, đầu tư hấp dẫn không chỉ ở trong nội bộ lãnh thổ Trung Hoa mà còn vươn ra rất nhiều quốc gia Châu Âu. Theo một báo cáo vào năm 2012 của tổ chức nghiên cứu thị trường IBISWorld, các hỗ trợ của chính phủ và sự gia tăng nhu cầu của thị trường Trung Hoa đã khiến cho Y học cổ truyền Trung Hoa đạt mức doanh thu bất ngờ là 25,7 tỷ USD trong năm 2012, tăng 14,8% so với năm 2011. Tính từ năm 2007, trung bình mỗi năm ngành công nghiệp này đạt mức tăng trưởng 20%, song song với nó là sự gia tăng của mức lợi nhuận. Sự tăng trưởng này không chỉ xảy ra ở Trung Hoa và các nước phương Tây. Do giá thành thấp, Châu Phi hiện là thị trường xuất khẩu dược phẩm lớn nhất của Trung Hoa. Trên thực tế, vào năm 2011, nghệ thuật chữa trị cổ xưa này đã được giới thiệu cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nam Phi. Động thái này đã giúp đưa Y học cổ truyền Trung Hoa tham gia vào dòng chảy chính của khu vực này, xét trên khía cạnh sự công nhận và nhu cầu. Thành công mang tính bước ngoặt của công dân Trung Hoa đoạt giải Nobel Tu Youyou, người đi đầu phát minh ra thuốc trị sốt rét Artemisinin, đã cho thấy sự gia tăng trong sức mạnh và vị thế quốc tế của ngành công nghiệp này. Bà Tu Youyou, người đoạt giải Nobel y học năm 2015. Photo: Bengt Nyman Bà Tu đã bắt đầu công tác nghiên cứu của mình bằng việc xem xét các thảo mộc được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa. “Tu Youyou và các cộng sự đã phát triển một phương thức chữa trị hữu hiệu cho bệnh sốt rét sau khi áp dụng một quy trình được ghi lại trong tài liệu y học Trung Hoa cổ đại,” David Graham, Chủ tịch của ban kỹ thuật ISO/TC 249 về Y học cổ truyển Trung Hoa, cho biết. “Điều này sẽ khiến bạn tự hỏi liệu phải mất bao lâu để khám phá ra quy trình điều trị gốc. Những ví dụ như vậy sẽ hỗ trợ nâng cai khả năng hội nhập và được công nhận của Y học cổ truyền Trung Hoa trong hệ thống y tế của các quốc gia.” Tuy nhiên việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Vậy chúng ta nên giải thích thế nào về sự gia tăng chú ý của cộng đồng quốc tế tới Y học cổ truyền Trung Hoa và Y học cổ truyền Trung Hoa nên làm gì để đối mặt với các thách thức trong tương lai? Chiến thắng của bà Tu là một ví dụ tuyệt vời về đóng góp to lớn của y học cổ truyền Trung Hoa cho công cuộc bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, mặc dù giải Nobel năm 2015 đã thắp lên những hi vọng vào tương lai của y học cổ truyền Trung Hoa, những nghi ngờ đối với nền y học này và cách thức đánh giá chất lượng cũng như độ an toàn của các sản phẩm của nó vẫn là một câu hỏi. “Ở các thị trường thiếu sự quản lý, tồn tại các nguy cơ to lớn đến từ những nhà điều trị, cơ sở điều trị, phương pháp điều trị kém chất lượng. Điều này có thể gây mất an toàn công cộng và giảm uy tín và thị phần thương mại của y học cổ truyền Trung Hoa,” Graham cho biết. Ông tin tưởng rằng một khung hoạt động bao gồm yêu cầu về đăng ký hoạt động và các nguyên tắc điều trị chính là giải pháp. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. “Khung làm việc dù áp dụng cho lĩnh vực nào cũng cần phải được hỗ trợ bởi nghiên cứu và phát triển.” ông khẳng định. Tiến sĩ Takao Namiki đến từ đại học Chiba-Nhật bản cho biết, y học đòi hỏi tính hiệu quả và sự an toàn được chứng minh thông qua các nghiên cứu khoa học. Trong khi y học cổ truyền Trung Hoa dựa trên sự quan sát, việc đánh giá y học cổ truyền từ khía cạnh khoa học là một việc làm cần thiết, cần nghiên cứu những tác động của nó đến cơ thể người xem xét liệu các thực hành này có hữu ích cho công tác kiểm soát các triệu chứng hay không.” Bằng việc hợp nhất cơ sở khoa học và các thực hành lâm sàng, các tiêu chuẩn sẽ tạo thành nền tảng cho tương lai hội nhập của y học cổ truyền Trung Hoa. Mặc dù một số quốc gia đã có các tiêu chuẩn, quy trình và quy định cho các sản phẩm và đơn vị thực hành y học cổ truyền Trung Hoa, thì nhiều quốc gia vẫn chưa xây dựng hệ thống văn bản cho lĩnh vực này. Điều này khiến cho yêu cầu duy trì chất lượng, an toàn và tính hiệu quả của các sản phẩm và phương pháp truyền thống càng trở nên quan trọng đối với ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 249. Ban kỹ thuật hiện đang tiến hành các dự án hướng tới ban hành tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp YHCT. Phạm vi công việc của ban kỹ thuật chủ yếu tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn đối với sản phẩm và nguyên liệu thô của YHCT, chất lượng và độ an toàn của các thiết bị y tế, thông tin, thuật ngữ và các dịch vụ có liên quan tới YHCT. Cho đến nay, với các nỗ lực của ban kỹ thuật, năm tiêu chuẩn quốc tế đã được ban hành trong vòng hai năm gần đây: ISO 17217-1:2014 về hạt giống nhân sâm ISO 17218:2014 về kim châm cứu vô trùng loại dùng một lần ISO 18664:2015 về hàm lượng kim loại nặng trong thảo dược ISO 18665:2015 về thiết bị dùng để sắc thuốc ISO 18666:2015 về thiết bị dùng cho chữa bệnh bằng ngải Với 30 dự án đang được tiến hành và 12 đề xuất mới, công việc của Ủy ban dự kiến sẽ đạt được những bước tiến đáng kể trong những năm tới. Hiện nay, có 20 quốc gia tham dự vào công tác của ISO/TC 249 với 16 quốc gia khác hoạt động với tư cách người quan sát, với 3 tổ chức liên kết: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới (WFAS) liên đoàn các hội Y học Trung Hoa (WFCMS). Yuandong Shen - Thư ký ban kỹ thuật ISO/TC 249 cho biết Ủy ban đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác với các tổ chức Quốc tế. “Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với các tổ chức có liên quan sẽ giúp chúng tôi nhận ra các lợi thế bổ sung, chia sẻ nguồn lực và hợp tác vì lợi ích chung trong lĩnh vực YHCT.” Mới đây, WHO đã ban hành chiến lược YHCT giai đoạn 2014-2023. Tài liệu này nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong công tác xây dựng các chính sách chủ động và thực thi các chiến lược hành động hướng tới củng cố vai trò của YHCT trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đáp ứng các nhu cầu của thị trường Với sự phát triển mang tính toàn cầu của YHCT, các chính phủ, chuyên gia và doanh nghiệp trên toàn thế giới đang tập trung nỗ lực vào việc sử dụng YHCT một cách khoa học, an toàn và hiệu quả. Theo David Graham, nhu cầu thị trường đối với các tiêu chuẩn về YHCT là chưa từng có trước đây. "Tiêu chuẩn quốc tế đang ngày càng quan trọng trong môi trường của các hiệp định thương mại giữa các quốc gia hoặc khu vực. Những điều này sẽ giúp hài hòa các yêu cầu, do đó loại bỏ các rào cản đối với thương mại, xác định hiệu suất chấp nhận được và cung cấp một nguồn lực cho các quốc gia và các đối tượng khác sử dụng. " Các tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thúc đẩy tăng trưởng thương mại và công nghiệp trong lĩnh vực YHCT. Chất lượng và độ an toàn của các nguyên liệu thô, các sản phẩm đã qua chế biến và các thiết bị y tế dùng trong YHCT cần phải được đảm bảo. Việc xây dựng một khung làm việc tiêu chuẩn sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn giúp mở rộng thành công của ngành công nghiệp này. Ngành công nghiệp dược phẩm là một ngành đặc biệt. Sự vắng mặt của một thục hành quản lý mang tính toàn cầu cho YHCT đã trở thành một rào cản cho công tác quản lý an toàn chất lượng và thương mại xuyên quốc gia trong lĩnh vực này. "Các tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng sẽ cung cấp cơ sở kỹ thuật cho các quy định của chính phủ, công tác giám sát thị trường, quản lý công nghiệp và việc cung cấp các dịch vụ công hiệu quả và chất lượng. Tất các các yếu tố đó hợp lại sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc cho các dịch vụ tốt hơn và chất lượng hơn và bảo vệ sức khỏe con người.” Vậy tiêu chuẩn sẽ có các tác động như thế nào? Nói một cách đơn giản, các tiêu chuẩn về YHCT sẽ có ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng, các sản phẩm và thiết bị từ nhiều khía cạnh khác nhau từ các phát triển mang tính kỹ thuật, việc thu mua nguyên liệu thô, sản xuất và chế biến đến các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng cũng như công tác quản lý nội bộ nền công nghiệp. Cảnh bốc thuốc tại một nhà thuốc YHCT tại Hồng Kông Điểm mấu chốt Điểm mấu chốt là không có một phương thuốc kì diệu hay một giải pháp đơn nhất nào cho tất cả mọi vấn đề. Để tạo nên nền tảng của một sức khỏe tốt cần phải có sự cân bằng. YHCT là bản đồ đến với việc chữa trị toàn diện cho dù bệnh nhân đang ở tình trạng khó khăn đến đâu. Quan trọng hơn, YHCT còn đưa ra các phương án có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Thực tế là liệu YHCT có thể tồn tại được trong suốt hơn 3000 năm và len lỏi tới mọi ngõ ngách trên toàn thế giới nếu như nó không phải là một hệ thống chữa trị mạnh mẽ và toàn diện hay không? Dù quan điểm của mỗi người là như thế nào thì tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ sức khỏe cộng đồng, an toàn và thương mại vẫn đang cần thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng một khung tiêu chuẩn cho YHCT có thể không nhanh chóng hay dễ dàng, nhưng đó là điều nên được thực hiện. Kết quả thu được sẽ mang lại lợi ích cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các bác sĩ, nền công nghiệp YHCT và cả người bệnh trên toàn thế giới. (Theo: ISO) http://www.tcvn.gov.vn/sites/head/vi/tin-chi-tiet-tieu-chuan-ap-dung-cho-y-hoc-co-truyen-09582f3b.aspx
Người viết : TBT-HCM
Các tin khác :
|