Hỏi về ghi nhãn sản phẩm bút bi Thiên Long

Thứ bảy, 20/05/2017, 10:17 GMT+7

Câu hỏi 1:

Thiên Long có 1 SP được sản xuất tại nhiều nhà máy khác nhau (thậm chí vừa sản xuất ở nước ngoài và vừa sản xuất trong nước) thì nội dung: “Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa” và “Xuất xứ” ghi như thế nào?

Câu hỏi 2:

Ghi địa chỉ đến Xã/Thị Trấn/Khu Công Nghiệp theo như hướng dẫn của Thông tư 09 thuộc NĐ cũ (NĐ 89/2006/NĐ-CP) ở mục 3.c được hay không?

Câu hỏi 3:

Sản phẩm bút bi của Thiên Long là hàng hóa có bao bì đóng gói đơn giản (Theo định nghĩa về Hàng hóa đóng gói đơn giản) thì nội dung ghi nhãn theo Phụ lục 1 (Nhóm 28) hay theo Điều 19. Nếu theo Điều 19 thì không thấy qui định ghi “Xuất xứ hàng hóa”?.

Câu hỏi 4: 

Thiên Long có ký hợp đồng với công ty A (Công ty sở hữu bản quyền một số hình ảnh các con vật,…)

Như vậy khi in ấn các hình ảnh con vật này lên sản phẩm hay bao bì của Thiên Long thì khi ghi nhãn có bắt buộc phải ghi tên, địa chỉ của công ty nhượng quyền những hình ảnh này  không? (Thiên Long và Công ty A đã ký kết HĐ cho phép Thiên Long in hình ảnh các con vật này lên SP của Thiên Long)?

Câu hỏi 5: 

Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì mục “Xuất xứ hàng hóa” có phải ghi không?

Trả lời Câu hỏi 1: 

Theo điểm b khoản 2 điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: Hàng hóa có cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng của hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa đó công bố hoặc đăng ký lưu hành và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa.

Trả lời Câu hỏi 2: 

 

Theo điều 23 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định như sau:

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017.

2. Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Do đó, sau ngày 01/6/2017 những văn bản liên quan đến Nghị định số 89/2006/NĐ-CP không còn hiệu lực.

Trả lời Câu hỏi 3: 

 

- Trường hợp Công ty xác định sản phẩm của mình là Hàng hóa đóng gói đơn giản thì thực hiện nội dung ghi nhãn theo Điều 19 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

- Trường hợp Công ty không xác định sản phẩm của mình là Hàng hóa đóng gói đơn giản thì thực hiện nội dung ghi nhãn theo Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

 

Trả lời Câu hỏi 4: 

Nội dung này liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa theo như Quý công ty cần giải đáp. Do đó, đề nghị Quý công ty liên hệ Cục Sở hữu trí tuệ để được hướng dẫn thực hiện.

Trả lời Câu hỏi 5: 

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Đồng thời tại điểm c khoản 1 Điều 10 của Nghị định quy định xuất xứ hàng hóa là một trong các nội dung bắt buộc phải hiện trên nhãn hàng hóa. Do đó, việc ghi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam trên nhãn hàng hóa là bắt buộc.


Người viết : thninh

Giới hạn tin theo ngày :   từ     đến